Tại sao hình thức xử phạt này không được ưu tiên áp dụng mà phải áp dụng biện pháp khác
Ngày 27-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Nội dung cho Hà Nội thẩm quyền “cắt điện, nước” đối với công trình, cơ sở vi phạm pháp luật về xây dựng, ô nhiễm môi trường… quy định tại Điều 34 dự thảo luật tiếp tục nhận được nhiều tranh luận của các đại biểu (ĐB) QH.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) tại phiên thảo luận. Ảnh: QH
“Cắt điện, nước” là biện pháp không nhân văn
ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) phân tích: Biện pháp “cắt điện, nước” trước đây được áp dụng nhưng đến nay trong hệ thống quy định pháp luật của nước ta không coi đây là “một biện pháp cưỡng chế hành chính”, dù nhiều bộ, ngành, cơ quan đề xuất bổ sung biện pháp này.
“Biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, ảnh hưởng đến đời sống của người không vi phạm hành chính” – ĐB Bình nói. Ông Bình dẫn chứng việc “cắt điện, nước” ở chung cư khi chủ đầu tư vi phạm nhưng nhiều hộ dân trong đó cũng bị ảnh hưởng; rồi việc “cắt điện, nước” ở cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng đến người lao động trong các cơ sở đó.
ĐB Bình nhấn mạnh “cắt điện, nước” không phải là một biện pháp mang tính nhân văn vì rất dễ ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của con người. Ông Bình cho hay quy định pháp luật hiện hành không thiếu biện pháp xử lý hữu hiệu các vi phạm về xây dựng, gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, đình chỉ hoạt động có thời hạn là một hình thức xử phạt chính danh, hợp lý, có khả năng trừng trị và ngăn ngừa hữu hiệu các vi phạm hành chính.
“Tại sao hình thức xử phạt này không được ưu tiên áp dụng mà phải áp dụng biện pháp khác vốn dĩ không có tính chính đáng?” – ông Bình nói và nhìn nhận chúng ta đang sử dụng biện pháp phi trật tự để duy trì trật tự.
Cùng ý kiến, ĐB Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) đề nghị cân nhắc khi đưa quy định này vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Bởi lẽ đây là một trong những nội dung gây tranh cãi, còn nhiều ý kiến khác nhau.
ĐB Dương phân tích: Điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, áp dụng biện pháp này sẽ có tác động tiêu cực không chỉ đối với cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn ảnh hưởng đến cá nhân và các tổ chức khác.
“Việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc và thận trọng. Đồng thời, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền lợi, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cung ứng dịch vụ” – ông Dương nhấn mạnh.